Vắc xin ho gà vô bào có thể không ngăn ngừa được sự lan truyện bệnh

Những phát hiện từ một nghiên cứu trên mô hình động vật linh trưởng công bố vào ngày 25/11 trên Tập san của Viện khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho thấy vắc xin ho gà vô bào (Acellular pertussis vaccines) bảo vệ được cơ thể chống lại bệnh ho gà nhưng không thể ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây truyền bệnh, trong khi đó vắc xin toàn tế bào (wholecell vaccines) thì hiệu quả hơn.

 

Bác sỹ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện  quốc gia về bệnh dị ứng và  nhiễm trùng thuộc Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ phát biểu trong một bản tin “Năm ngoái, Hoa Kỳ đã ghi nhận 48.000 trường hợp ho gà  dù tỷ lệ tiêm ngừa cao. Vì vậy, cần phải có một nghiên cứu về nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhiễm trùng và những phương thức cải tiến để ngăn ngừa sự lan truyền bệnh.

 

Các yếu tố thúc đẩy việc gia tăng số ca mắc ho gà có thể bao gồm sự giảm miễn dịch của vắc xin ho gà được tiêm khi còn nhỏ, sự cải tiến của các xét nghiệm chẩn đoán và sự gia tăng số lượng các báo cáo.

 

Những phát hiện của nghiên cứu có thể giúp giải thích tình trạng gia tăng tỷ suất mắc ho gà và đáp ứng đối với việc chủng ngừa sau khi thay thế vắc xin toàn tế bào bằng vắc xin vô bào vào thập niên 90. Vắc xin toàn tế bào chứa toàn thân vi khuẩn Bordetella pertussis  đã bị bất hoạt trong khi vắc xin vô bào chỉ chứa những phần chọn lọc của vi khuẩn  để kích thích đáp ứng miễn dịch. Vắc xin ho gà toàn tế bào vẫn được sử dụng tại nhiều nước mặc dù vẫn có những lo lắng về các biến cố bất lợi liên quan đến vắc xin.

 

Theo ông Jason M. Warfel và cộng sự thuộc Khoa các sản phẩm vi khuẩn, ký sinh trùng và dị ứng, Trung tâm nghiên cứu và lượng giá sinh học, Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại Bethesda, bang Maryland: “Tỷ suất mắc ho gà tại Hoa Kỳ đang gia tăng. Mặc dù việc gia tăng này chưa được hiểu rõ, chúng tôi đặt giả thuyết rằng vắc xin ho gà vô bào không có khả năng ngăn chặn sự thường trú và lây truyền của vi khuẩn”.  

 

Để kiểm tra giả thuyết này, các nghiên cứu viên đã tiêm vắc xin ho gà vô bào hoặc vắc xin ho gà toàn tế bào cho một nhóm khỉ đầu chó vào các thời điểm 2, 4, và 6 tháng tuổi và sau đó cho chúng phơi nhiễm với vi khuẩn B pertussis  vào lúc 7 tháng tuổi. Đối với động vật bị nhiễm bệnh, các nghiên cứu viên đã định lượng vi khuẩn trong dịch rửa mũi hầu và theo dõi số lượng bạch cầu cũng như các triệu chứng bệnh.

 

Vắc xin Ho gà vô bào không ngăn ngừa sự lây truyền bệnh

 

Nhóm chứng không tiêm vắc xin đã bị nhiễm bệnh. Các nhóm tiêm vắc xin ho gà không biểu hiện triệu chứng và cả hai nhóm được tiêm vắc xin ho gà đã cho đáp ứng kháng thể mạnh.

 

Nhóm khỉ đầu chó được tiêm vắc xin toàn tế bào không có sự hiện diện của vi khuẩn ho gà trong vòng 3 tuần, nhưng nhóm tiêm vắc xin vô bào cũng như nhóm chứng cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn tại vùng mũi hầu cho đến 6 tuần sau. . Điều đáng lo ngại hơn là nhóm nhận vắc xin vô bào đã lây truyền vi khuẩn ho gà sang nhóm đối chứng không được tiêm vắc xin.

Bác sỹ Karen Midthun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Lượng giá sinh học của FDA đã phát biểu trong một bản tin: “Nghiên cứu này góp phần quan trọng vào sự hiểu biết một số nguyên nhân của việc gia tăng tỷ suất mắc ho gà và đưa ra các chiến lược tiềm năng để giải quyết vấn đề sức khỏe công cộng này. Nghiên cứu này là một đóng góp quý giá giúp chúng ta tiến gần hơn đến bản chất của vấn đề. Chúng ta hy vọng rằng nhiều nghiên cứu về bệnh ho gà sẽ đưa ra được các phương pháp ngừa bệnh mới và hiệu quả”.

 

Giới hạn của nghiên cứu bao gồm việc sử dụng đối tượng nghiên cứu là động vật linh trưởng và phương pháp sử dụng để đo lường tính sinh miễn dịch.

 

Các tác giả viết: ‘Trong khi tất cả các nhóm đều có đáp ứng kháng thể mạnh, điểm khác biệt về tế bào nhớ T gợi ý rằng vắc xin ho gà vô bào tạo đáp ứng miễn dịch chưa tối ưu nên không thể ngăn ngừa việc nhiễm bệnh. Những dữ liệu của nghiên cứu giúp giải thích một cách hợp lý sự gia tăng trở lại của bệnh ho gà và đề xuất để có miễn dịch quần thể đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược chủng ngừa mới nhằm ngăn ngừa sự thường trú và lây truyền của vi khuẩn B pertussis”.

 

FDA và Viện Sức khỏe quốc gia về Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng tài trợ cho nghiên cứu này. Các tác giả đã khai báo không có vấn đề xung đột lợi ích.

 

 

Nguồn: Bác sĩ Laurie Barclay, Acellular Pertusis Vaccine May Not Prevent Transmission.

02/12/2013, http:www.medscape.com/viewarticle/815247

Người dịch: Đoàn Ý Uyên, Tổ Thứ Nghiệm Lâm Sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh