Tiêm ngừa vắc xin cúm ở phụ nữ mang thai: Những ảnh hưởng đến tình hình bệnh cúm ở trẻ sơ sinh

Vì trẻ sơ sinh không thể tiêm phòng vắc xin cúm trước 6 tháng tuổi vì vậy các tổ chức chuyên môn hiện nay khuyến cáo nên tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai để phòng ngừa cho trẻ. Một nghiên cứu gần đây báo cáo kết quả dựa trên dữ liệu của những bà mẹ sinh con tại hệ thống chăm sóc sức khỏe Intermountain qua 9 mùa cúm từ năm 2005 đến năm 2014.

Do đây là một hệ thống y tế lớn, các nhà điều tra có thể theo dõi cả tiền sử thai kỳ của mẹ và tình trạng sức khỏe của đứa trẻ. Kết quả kiểm tra sức khỏe của trẻ bao gồm các bệnh giống cúm (influenza-like-illnesses (ILI)) cũng như bệnh cúm được xác định bằng xét nghiệm. Họ cũng theo dõi nhiễm trùng virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus (RSV)) xác định bằng xét nghiệm để đánh giá liệu sự khác biệt về bệnh cúm ở trẻ sơ sinh giữa những bà mẹ được tiêm ngừa so với những bà mẹ không tiêm chủng có thực sự liên quan đến tiêm phòng cúm.

Nghiên cứu so sánh kết quả của hơn 23,000 trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm vắc xin cúm với kết quả của hơn 225,000 trẻ sinh ra từ những bà mẹ không được chủng ngừa. Các đặc điểm quan trọng của trẻ sơ sinh, chẳng hạn như trẻ sinh non và cân nặng trung bình lúc sinh, không khác biệt giữa các bà mẹ tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Tần suất phụ nữ được chủng ngừa tăng mạnh trong năm 2010 khi có đại dịch H1N1.


Tổng số có 866 trẻ sơ sinh mắc các bệnh giống cúm ít nhất một lần, với tỉ lệ 1,34 / 1,000 trẻ sinh ra từ các bà mẹ được tiêm chủng so với 3,7 / 1,000 trẻ sinh ra từ các bà mẹ không được tiêm chủng, với nguy cơ tương đối là 0,36 (khoảng tin cậy 95%, 0,26-0,52). Tương tự như vậy, nguy cơ tương đối đối với nhập viện cũng thấp hơn ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ tiêm chủng ở mức 0,16. Bệnh cúm được xác định bằng xét nghiệm xảy ra ở tỷ lệ 0,84 / 1,000 trẻ sinh ra từ các bà mẹ được chủng ngừa so với 2,83 / 1,000 trẻ sinh ra từ các bà mẹ không được tiêm chủng. Không có trẻ sơ sinh tử vong do cúm. Tương tự, không có sự khác biệt về nhiễm RSV dựa trên tình trạng tiêm ngừa vắcxin cúm ở mẹ.

Các tác giả kết luận rằng việc tiêm chủng cúm trong thời kỳ mang thaitheo báo cáo của các bà mẹ có liên quan đến việc giảm đáng kể các bệnh giống cúm, bệnh cúm được xác định bằng xét nghiệm và các trường hợp nhập viện do cúm.
Việc giảm tần suất mắc cúm ở trẻ sơ sinh có mẹ được chủng ngừa cúm không chỉ có ý nghĩa thống kê, mà còn có ý nghĩa lớn về lâm sàng. Trong toàn bộ thời gian nghiên cứu, chỉ có khoảng 10% bà mẹ báo cáo là có tiêm chủng cúm. Tỷ lệ này trở nên cao hơn sau năm 2010, năm đại dịch H1N1, nhưng điều này vẫn chỉ ra rằng chúng ta có khả năng giảm bệnh cúm ở trẻ nhỏ nếu có thể cải thiện tỷ lệ tiêm chủng cúm ở phụ nữ mang thai.


Nguồn:  http://www.medscape.com/viewarticle/867738
Người dịch: Trần Linh Phương, Đơn vị TNLS, Viện Pasteur Tp.HCM