Phân tích dữ liệu của 6 mùa cúm cho thấy, phụ nữ mang thai được tiêm ngừa cúm nếu nhiễm bệnh có nguy cơ nhập viện giảm 40% so với những phụ nữ mang thai khác không được tiêm ngừa.
Tiến sĩ Mark G. Thompson, nhà dịch tễ học của bộ phận Cúm mùa thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Center for Disease Control and Prevention – CDC), Atlanta, Georgia và các cộng sự đã công bố những phát hiện của họ trên trang báo mạng Clinical Infectious Disease ngày 11 tháng 10 năm 2018.
Tiến sĩ Allison Naleway, đồng tác giả của nghiên cứu giải thích trong ấn phẩm mới "Phụ nữ mang thai phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và em bé trong suốt thai kỳ và nhiễm cúm là một trong số các vấn đề này".
Thompson và cộng sự đã lưu ý rằng "Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá hiệu quả vắc xin đối với các trường hợp nhập viện do cúm được xác định bằng xét nghiệm trong suốt thai kỳ". Naleway bổ sung thêm "Các phát hiện từ nghiên cứu này đã nhấn mạnh sự thật rằng có một cách tác động đơn giản để làm giảm khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh cúm trong thai kỳ: đó là tiêm ngừa cúm".
CDC phối hợp với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và các hệ thống y tế công cộng quốc gia và quốc tế khảo sát các hồ sơ nhập viện, kết quả xét nghiệm và tiền sử tiêm ngừa đã thiết lập nên Mạng lưới về Hiệu quả của vắc xin cúm trong thai kỳ để đánh giá hiệu quả của tiêm ngừa cúm trong việc ngăn ngừa nhập viện do nhiễm cúm xác định bằng xét nghiệm trong suốt thời gian mang thai.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các bệnh án và hồ sơ y tế công cộng cấp độ khu vực cho cư dân ở Tây Úc và các tỉnh Alberta và Ontario, Canada và xem các bệnh án điện tử của các hệ thống chăm sóc tích hợp lớn cho các thành viên chương trình sức khỏe tại Hoa Kỳ (Kaiser Permanente ở Bắc California, Oregon, và Washington) và Israel (Clalit Health Services). Các địa điểm nghiên cứu cung cấp dữ liệu cho từ ba đến sáu mùa cúm từ năm 2010 đến hết năm 2016 (tổng cộng là 25 mùa nghiên cứu theo từng khu vực cụ thể).
Hiệu quả "vừa phải" của vắc-xin ngăn ngừa tình trạng nhập viện
Nghiên cứu này bao gồm phụ nữ mang thai từ 18 đến 50 tuổi có thai trong suốt mùa cúm. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hành chính để xác định các trường hợp phụ nữ nhập viện do bệnh hô hấp cấp tính hoặc sốt và có thực hiện xét nghiệm rRT-PCR theo chỉ định của bác sĩ trong vòng 3 ngày trước khi nhập viện cho đến ngày xuất viện. Nghiên cứu này loại trừ những phụ nữ tiêm ngừa trước khi nhập viện ít hơn 14 ngày và những phụ nữ không xác định được tình trạng tiêm ngừa cúm.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết kế nghiên cứu xét nghiệm âm tính và hiệu chỉnh theo điểm nghiên cứu, mùa, thời điểm (sớm, cao điểm, muộn) và các tình trạng y khoa có nguy cơ cao.
Trong số 1030 lần nhập viện do bệnh hô hấp cấp tính hoặc sốt mà phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm PCR-PCR, 58% (598) cho kết quả dương tính với virus cúm, chiếm tỷ lệ từ 51% đến 62% trong mùa cúm và từ 45% đến 65% ở các điểm nghiên cứu.
Số lượng các xét nghiệm cúm dương tính tương tự nhau giữa hầu hết các mùa (n=93 – 127) trừ mùa cúm ở Bắc bán cầu 2011-2012 với số lượng thấp hơn đáng kể (n=43).
2/3 (65%) số phụ nữ mang thai đang ở tam cá nguyệt thứ ba.
Tổng cộng có 13% phụ nữ cho kết quả dương tính với cúm qua xét nghiệm rRT-PCR đã được tiêm ngừa so sánh với 22% phụ nữ có kết quả âm tính và hiệu quả của vắc xin cúm chưa được hiệu chỉnh là 48%.
Sau khi hiệu chỉnh, vắc xin cúm có hiệu quả ngăn ngừa tình trạng nhập viện do cúm xác định bằng xét nghiệm trong suốt thai kỳ là 40% (95% Cl, 12%-59%) .
Hiệu quả của vắc xin cúm sau hiệu chỉnh thấp nhất ở Alberta (8%) và Israel (17%) và cao nhất ở Ontario (40%) và Mỹ. Mỹ là điểm nghiên cứu duy nhất có ước tính hiệu quả của vắc xin cúm cao (55%; 95% Cl, 7-78%).
Hai mùa cúm ở bán cầu nam năm 2014 và bán cầu bắc 2014-15 là ngoại lệ khác biệt; khi những mùa cúm này không được tính đến, ước tính hiệu quả của vắc-xin cúm sau khi được điều chỉnh kết hợp cho các mùa cúm còn lại là 49%.
Hiệu quả của vắc-xin là 55% đối với phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai và 35% đối với phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba khi nhập viện.
"Sự bảo vệ vừa phải này đã được ghi nhận trong một thời gian khi virus A (H1N1) pdm09 là một chủng nổi bật trong khoảng một nửa số mùa nghiên cứu, vi rút A (H3N2) là một chủng nổi bật trong> 70% mùa nghiên cứu, và sự phù hợp giữa các chủng vi rút cúm trong vắc xin và virus cúm A (H3N2) lưu hành thay đổi từ nhiều đến ít”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Hiệu quả của vắc xin thấp hơn đối với phụ nữ nhập viện có chẩn đoán xuất viện bao gồm viêm phổi hoặc cúm.
Hiệu quả của vắc-xin cao hơn khi phụ nữ mang thai nhập viện cấp cứu (ICU) và chẩn đoán xuất viện cơ bản là bệnh hô hấp cấp tính hoặc sốt.
Dữ liệu tăng cường cơ sở lý luận cho tiêm ngừa cúm trong thai kỳ
Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng vì nhiều lý do. Trong tổng số hơn 2 triệu phụ nữ mang thai, 84% trải qua một mùa cúm.
Mặc dù các kết quả có thể đặc biệt liên quan đến các nỗ lực y tế công cộng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), vốn có xu hướng thích đầu tư vào những vắc-xin được chứng minh có thể ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng hơn, những phát hiện này có thể không được phổ biến ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
"Sự tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện và độ nặng để nhập viện có thể khác với các nước có thu nhập thấp và trung bình; tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ước tính hiệu quả của vaccin cúm chưa được điều chỉnh có xu hướng cao hơn (mặc dù không có ý nghĩa thống kê) khi chúng tôi giới hạn phân tích ở phụ nữ nhập viện cấp cứu", các nhà nghiên cứu giải thích.
Kết quả cũng phù hợp với các quốc gia có thu nhập cao: ở Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia và quốc tế.
"Ngoài những dữ liệu phong phú về sự an toàn" của việc chủng ngừa vắc-xin cúm bất hoạt trong thai kỳ, với "bằng chứng gắn kết" rằng việc chủng ngừa cúm làm giảm nguy cơ nhiễm cúm xác định bằng xét nghiệm từ nhẹ đến tương đối nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai và cung cấp sự bảo vệ thứ cấp cho trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời, "phát hiện của chúng tôi về hiệu quả vắc-xin cúm 40%" trong việc ngăn ngừa nhập viện do cúm xác định bằng xét nghiệm trong khi mang thai "tăng cường hơn nữa lý do cho các chương trình chủng ngừa cúm cho phụ nữ mang thai", các nhà nghiên cứu kết luận.
Người dịch: Trần Linh Phương
Đơn vị: Trung tâm TNLS - Viện Pasteur TPHCM
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/903283