Những vắc xin làm giảm các trường hợp mắc viêm tai giữa biến chứng

Theo kết quả của một nghiên cứu được đăng tải trực tuyến ngày 25/8/2014 trên trang “Các bệnh nhiễm trùng trên lâm sàng” (Clinical Infectious Diseases): 13 chủng của phế cầu khuẩn đã gần như biến mất do tác động của vắc xin phế cầu và điều này đã làm giảm 60% tỉ lệ tái phát và không đáp ứng bệnh viêm tai giữa (OM) ở miền Nam Israel.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không còn bệnh viêm tai giữa. Bác sĩ, Thạc sĩ y tế công cộng Bs. Richard M.Rosenfeld - chủ tịch hiệp hội OM quốc tế; giáo sư và chủ tịch khoa tai họng trường đại học bang thuộc trung tâm y khoa Downstate, New York (Mỹ) - người đã không tham gia vào nghiên cứu trên đã phát biểu trên bản tin y khoa Medscape Medical rằng “Mọi chuyện đang xảy ra theo chiều hướng tốt và theo kết quả của các nghiên cứu khác cho thấy số trẻ bị OM thấp hơn sau khi vắc xin được lưu hành”. Do nghiên cứu tại Israel chỉ theo dõi những trường hợp viêm tai giữa thể nặng (có lấy mẫu và nuôi cấy vi khuẩn) nên các trường hợp mắc OM thể nhẹ hơn đã không được ghi nhận và cũng không có xét nghiệm cận lâm sàng để xác định.

Bs. Rosenfeld cho biết thêm: ²Chủng phế cầu khuẩn dùng để sản xuất vắc xin được lấy từ các chủng phế cầu khuẩn có độc lực cao và từng gây ra các thể bệnh OM nặng có biến chứng. Vắc xin phế cầu này không có tác động đến các chủng phế cầu có độc lực thấp và gây bệnh OM ít biến chứng².

Bs. Shalom Ben-Shimol cùng cộng sự thuộc Đơn vị bệnh truyền nhiễm nhi, Trung tâm y khoa của Trường đại học Soroka, Trường đại học Ben-Gurion tại Negev, Beer-Sheva, Israel đã xét nghiệm 6122 mẫu bệnh phẩm OM của trẻ < 2 tuổi, các mẫu này được lấy trong khoảng thời gian từ giữa 6/2013 đến tháng 7/2014 tại miền Nam Israel. Nhóm nghiên cứu đã so sánh ca mắc OM và chủng vi khuẩn phân lập được trong 3 giai đoạn: trước khi có vắc xin phế cầu, sau khi lưu hành vắc xin phế cầu cộng hợp 7 giá trị (PCV7) và sau khi vắc xin phế cầu cộng hợp 13 giá trị (PCV13) được đưa vào sử dụng từ 11/2010 và thay thế dần vắc xin PCV7 tại Israel.

PCV7 được cấp phép lưu hành tại Israel năm 2007 và được đưa vào chương trình tiêm chủng dành cho trẻ em năm 2009. Các tác giả nhận thấy PCV7 đã giúp làm giảm đến 96% bệnh OM do các chủng có trong vắc xin này (tỷ số tỷ suất mới mắc RR: 0.04; khoảng tin cậy 95%: 0.02 – 0.08). Số ca mắc OM do 5 chủng phế cầu khuẩn khác được thêm vào trong vắc xin PCV13 cũng giảm 85% (tỷ số tỷ suất mới mắc RR: 0.15; khoảng tin cậy 95%: 0.07 – 0.30). Số ca mắc OM do tất cả các chủng phế cầu giảm 77% và số ca mắc OM do bất kỳ nguyên nhân nào khác giảm 60%.

Trước khi có vắc xin phế cầu, các chủng phế cầu có mặt trong vắc xin phế cầu là nguyên nhân gây ra 30 trong số 1000 (3%) các trường hợp mắc OM hàng năm. Năm cuối cùng triển khai nghiên cứu, tỉ lệ này giảm chỉ còn 10,1 trong số 1000 (1,01%) ca, điều này cho thấy vắc xin đã giúp làm giảm đi 2000 ca mắc OM tính trên 100.000 trẻ em mỗi năm.

Trong số 6122 mẫu OM được phân tích, 4028 (66%) mẫu cho kết quả nuôi cấy dương tính và 1893 mẫu (47% các trường hợp dương tính) có sự hiện diện của Streptococcus pneumoniae. Trong 1893 các trường hợp này, 1093 mẫu (58%) chỉ phân lập được S.pneumoniae, 800 mẫu còn lại phân lập được thêm Haemophilus influenzae.

 

Nguồn: Vaccines Lead to Decline in Complex Otitis Media Incidence, Jenni Laidman

www.medscape.com/viewarticle/831119, 04th Sep 2014

Người dịch: Kim Ngân, Tổ Thử Nghiệm Lâm Sàng, Viện Pasteur Tp.HCM