Làm sao để phòng ngừa cúm mùa hiệu quả nhất

(Bài viết được trích từ cuộc phỏng vấn của PGS.TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM trong chương trình Khỏe và Đẹp)

  1. Thưa PGS hiện nay chúng ta có những biện pháp như thế nào trong phòng chống  cúm mùa ?
  • Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi rút influenza gây ra và phổ biến vào mùa lạnh. Bệnh lây lan từ người sang người qua đường hô hấp từ các cơn ho hoặc hắt xì của người bệnh.
  • Người bị cúm mùa có thể có các triệu chứng sau: nhức đầu, sốt (thường sốt cao), đau khớp, nhược cơ, sổ mũi, viêm họng, ho, ói. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sợ ánh sáng, cảm giác hừng hực và hoặc đau khi cử động. Ở trẻ em, có thể xuất hiện thêm tình trạng tiêu chảy. Những bệnh nhân đã có miễn dịch trước đây hoặc đã từng tiêm vắc xin cúm mùa, các triệu chứng của cúm có thể nhẹ hơn. Bệnh nhân cần nhập viện khi tình trạng bệnh trở nặng. Một biến chứng nguy hiểm của cúm mùa là viêm phổi.
  • Chẩn đoán cúm có thể thực hiện nhanh chóng qua các xét nghiệm huyết thanh nhưng do chi phí cao nên không được áp dụng rộng rãi, vì vậy chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Tuy vậy, nếu chỉ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng thì rất khó để chẩn đoán một cách chính xác bệnh cúm do có nhiều loại vi rút khác cũng gây nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng lâm sàng giống bệnh cúm (adenovirus, paramyxovirus, enterovirus…).
  • Phần lớn các bệnh nhân cúm sẽ hồi phục trong vòng 3 ngày nhưng tình trạng khó chịu có thể kéo dài hàng tuần.

Các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo:

  1. Tiêm vắc –xin ngừa cúm: Chiến lược hiệu quả nhất để phòng chống bệnh cúm mùa là tiêm ngừa vắc xin phòng cúm ngừa mỗi năm. Vắc xin cung cấp sự bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm mùa do các chủng có trong vắc xin gây ra và bắt đầu có hiệu quả từ 10 -14 ngày sau khi tiêm vắc xin. Các chủng vi rút gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau và đó là lý do tại sao bạn nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa hàng năm bởi vì vắc xin cúm mùa năm sau thường cập nhật các chủng gây bệnh của năm trước đó.
  2. Các biện pháp khác:
  • Đối với người bệnh cúm mùa nên hạn chế ra nơi công cộng để tránh lây lan cho người lành, nếu phải ra nơi đông người thì nên mang khẩu trang, sử dụng khăn giấy khi ho hay hắt hơi và rửa tay với xà phòng để tránh lây nhiễm cho người khác.
  • Đối với người lành nên hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm mùa, rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường xung quanh người bệnh.…
  • Vi rút cúm mùa có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài từ 2 – 8giờ (tay nắm cửa..), nhưng có thể bị tiêu diệt bởi xà phòng, thuốc rửa iod hoặc cồn..
  1. Điều trị cúm mùa:
  • Trong trường hợp sốt cao, dùng thuốc hạ sốt để giảm nhiệt độ.
  • Sử dụng các thuốc kháng vi rút (oseltamivir, zanamivir) theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt sử dụng sớm trong vòng 40 giờ kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng để rút ngắn thời gian mắc bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngửa biến chứng nặng của cúm.

 

Tài liệu tham khảo:

http://www.cdc.gov/flu/about/qa/preventing.htm

http://www.cdc.gov/flu/protect/preventing.htm

http://reference.medscape.com/features/slideshow/influenza#5

 

2.Vắc xin phòng ngừa có ý nghĩa như thế nào trong việc phòng chống bệnh cúm mùa?

  • Có hai chủng vi rút cúm mùa gây bệnh trên người là chủng vi rút influenza A và B. Hai chủng này hiện diện trên toàn thế giới và gây bệnh trên tất cả các lứa tuổi.
  • Cúm mùa là bệnh lây lan qua đường hô hấp vì vậy tốc độ phát tán của bệnh nhanh và thường phát tán trên diện rộng và gây dịch tại nhiều quốc gia mỗi năm.
  • Tổ chức y tế thế giới ước tính trên toàn thế giới, các đại dịch cúm hàng năm gây  nên khoảng 3-5 triệu trường hợp bệnh nặng và khoảng 250,000 đến 500,000 ca tử vong.
  • Đại dịch cúm H1N1 năm 1918 gây 500,000- 700,000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ - trong đó khoảng 200,000 trường hợp xảy ra chỉ riêng vào tháng 10 năm 1918 – và ước tính khoảng 30-40 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, đa số xảy ra ở tuổi 15-35.
  • Đại dịch cúm H2N2 năm 1957 (Cúm Châu Á) gây nên khoảng 70,000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1-2 triệu cái chết trên toàn thế giới.
  • Đại dịch cúm H3N2 năm 1968 (Cúm Hồng Kông) gây nên khoảng 34,000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 700,000-1 triệu cái chết trên toàn thế giới.
  • Mặc dù, dịch cúm mùa hàng năm có ảnh hưởng đến tất cả các lứa tuổi (10-20% người lớn khỏe mạnh; 20-30 % trẻ em) nhưng nguy cơ bị biến chứng rơi vào nhóm dân số dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, những người có các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch….
  • Tại các nước công nghiệp, đa số các trường hợp tử vong rơi vào nhóm người già trên 65 tuổi. Đại dịch cúm mùa dẫn đến một tỷ lệ cao học sinh nghỉ học/công nhân nghỉ làm, từ đó làm giảm hiệu quả sản xuất, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Trong giai đoạn đỉnh của dịch, các cơ sở y tế đều bị quá tải.
  • Mặc dù vẫn chưa có số liệu về tác động của dịch cúm mùa tại các quốc gia đang phát triển nhưng những kết quả ước tính cho thấy có một tỷ lệ lớn trẻ em tử vong do liên quan đến cúm mùa tại các quốc gia này.

Tác dụng của vắc- xin

  • Phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm mùa là tiêm vắc xin. Các vắc xin cúm mùa an toàn và hiệu quả đã có mặt và được sử dụng trên 60 năm.
  • Đối với  cá nhân, vắc xin cúm mùa tạo ra sự bảo vệ khỏi bệnh cúm mùa cho những người trưởng thành khỏe mạnh, đối với người già mặc dù vắc xin ít hiệu quả trong việc phòng bệnh nhưng giảm độ nặng của bệnh và số trường hợp bị biến chứng, tử vong. Việc tiêm vắc xin cũng hết sức quan trọng đối với những người có nguy cơ bị biến chứng cao và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao.
  • Đối với cộng đồng, việc tiêm vắc xin cúm mùa có thể bảo vệ trẻ dưới 6 tháng chưa đủ tuổi tiêm vắc xin.
  • Về phương diện xã hội, tiêm vắc xin cúm mùa giúp tránh tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, giảm chi phí điều trị cúm mùa và tránh tình trạng giảm năng lực sản xuất của nền kinh tế do dịch cúm gây ra. Nghiên cứu cho thấy vắc xin cúm mùa làm giảm tới 74% tỷ lệ nhập viện của trẻ em năm 2010 – 2012; 71% tỷ lệ nhập viện ở người già năm 2011 – 2012

 

Tài liệu tham khảo:

http://www.cdc.gov/flu/protect/keyfacts.htm#vaccination-benefits

http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs211/en/

http://emedicine.medscape.com/article/219557-overview

 

3.      Đối tượng nào thì nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm? Và tiêm bao nhiêu lần là đủ?

  • Tất cả các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc xin ngừa cúm mùa. Tổ chức Y tế thế giới đặc biệt khuyến cáo tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
  • Trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Người già trên 65 tuổi
  • Những người mắc các bệnh mạn tính
  • Các nhân viên y tế
  • Lịch tiêm: Trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm trước đó nên tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 28 ngày. Trẻ trong độ tuổi trên đã từng tiêm vắc xin trước đó và những trẻ lớn hơn chỉ cần tiêm 1 liều.
  • Việc tiêm ngừa vắc xin cúm mùa nên được thực hiện hàng năm vì 2 lý do: thứ nhất là nồng độ kháng thể kháng vi rút cúm mùa giảm dần theo thời gian vì vậy việc tiêm ngừa hàng năm là cần thiết để duy trì duy trì sự bảo vệ tối ưu; thứ 2, các chủng vi rút cúm mùa biến đổi rất nhanh chóng (H1N1, H5N1, H7N9 và theo báo cáo gần đây nhất là H3N2..). Công thức vắc xin sẽ được xem xét hàng năm và đôi khi được cập nhật các chủng mới theo sự thay đổi của vi rút cúm. Để có được sự bảo vệ tối ưu, mọi người nên tiêm ngừa hàng năm. 
  • Thời điểm tiêm: Thời điểm tiêm vắc xin nên cách mùa cúm ít nhất 15 ngày để vắc xin có thể phát huy hiệu quả bảo vệ.
  • Lưu ý và chống chỉ định:
  • Những đối tượng chống chỉ định với vắc xin là những người bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin bao gồm protein trứng hoặc sau tiêm bất ký liều nào của vắc xin.
  • Cần thận trọng với những người bị ốm từ trung bình đến nặng hoặc bị hội chứng Guillain-Barre trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vắc xin cúm trước đó.
  • Người trưởng thành và thanh thiếu niên từ 2 – 18 tuổi có thể tiêm vắc xin bất hoạt hoặc vắc xin sống giảm độc lực trong khi nhóm đối tượng có nguy cơ cao chỉ nên tiêm vắc xin bất hoạt.
  • Đối tượng dưới 65 tuổi không nên chích vắc xin ngừa cúm liều cao trong khi đối tượng dưới 18 tuổi hoặc trên 64 tuổi thì không nên tiêm trong da vắc xin.
  • Vắc xin tiêm phòng cúm đã có mặt trên thế giới hơn 60 năm và được chứng minh là rất an toàn.Vì vi rút cúm luôn luôn thay đổi, chính vì vậy hàng năm mạng lưới giám sát về bệnh cúm của tổ chức Y tế thế giới (bao gồm 112 trung tâm trên 83 quốc gia) sẽ báo cáo về các chủng vi rút mới và sẽ quyết định chọn ra 3 chủng vi rút cúm nguy hiểm nhất, từ đó các nhà sản xuất vắc xin sẽ dựa vào khuyến cáo trên để sản xuất ra vắc xin cho mỗi năm.
  • Theo dự đoán của các chuyên gia: mùa cúm 2014-2015 sẽ tập trung vào 4 chủng sau:
  • Cúm A/California/7/2009 (H1N1)-like virus
  • Cúm A/Texas/50/2012 (H3N2)-like virus
  • Cúm B/Massachusetts/2/2012-like virus
  • Vài loại sẽ có thêm kháng nguyên cúm B/Brisbane/60/2008-like virus.
  • Hiện tại trên thị trường Việt Nam đã có nhiều loại vắc xin cúm từ đơn giá đến tứ giá được phép lưu hành và cũng có nhiều loại vắc xin đang thực hiện thử an toàn để đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo Thông tư 03/2012/TT - BYT

 

Tài liệu tham khảo:           

http://www.cdc.gov/flu/about/season/flu-season-2014-2015.htm

http://www.cdc.gov/flu/protect/keyfacts.htm#vaccination-benefits

 

  1. Người có nhu cầu tiêm ngừa thì tiêm ở đâu? Vào thời điểm nào trong năm và ở lứa tuổi nào là tốt nhất?
  • Như bạn đã biết, Viện Pasteur Tp.HCM có trung tâm tiêm ngừa dịch vụ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tại đây bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin phù hợp với bạn, không chỉ vắc xin cúm mùa mà còn có nhiều loại vắc xin khác. Bên cạnh đó, bạn có thể đến trung tâm Y tế của các quận, một số bệnh viện để tiêm vắc xin cúm mùa.
  • Theo Tổ chức Y tế thế giới và CDC Hòa kỳ dự đoán, mùa cúm 2014 – 2015 sẽ do H3N2 gây ra, đặc biệt trên đối tượng người già hơn 65 tuổi và trẻ nhỏ. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân nên đi tiêm ngừa cúm hàng năm tại tất cả các trung tâm y tế trên toàn quốc.
  • Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc xin cúm, và nên tiêm vào tháng 10 để có thể có được sự bảo vệ tốt nhất cho dịch cúm thường xảy ra vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đôi khi việc chích vắc xin vào thời điểm nào còn phụ thuộc vào sự có sẵn của vắc xin trên thị trường..

Tài liệu tham khảo

 http://www.cdc.gov/flu/protect/keyfacts.htm#vaccination-benefits

 

Đơn vị Thử Nghiệm Lâm Sàng – Viện Pasteur Tp.HCM

(http://cru.pasteur-hcm.org.vn/)