CÁC CÂU HỎI VỀ BỆNH VÀ VẮC XIN VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU

Tài liệu dịch và tổng hợp

CÁC CÂU HỎI VỀ BỆNH VÀ VẮC XIN VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU

Các vấn đề liên quan đến bệnh                              Các liều tiêm nhắc

Các khuyến cáo về vắc xin                                      Tiêm vắc xin

Đối tượng có yếu tố nguy cơ                                  Chống chỉ định và thận trọng

CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU

 

Xin cho chúng tôi biết thông tin về bệnh viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẫn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng là viêm màng não (khoảng 50% trường hợp), nhiễm khuẩn huyết (38% trường hợp), hay viêm phổi do vi khuẩn (9% trường hợp). Vi khuẩn N. meningitidis thường trú ở bề mặt niêm mạc của vùng hầu họng và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các hạt chất tiết đường hô hấp từ người bệnh và người lành mang trùng. Bệnh não mô cầu có thể có diễn biến trầm trọng. Tỷ lệ tử vong chung vào khoảng 10%–15%, và 20% những người sống sót có di chứng lâu dài như khuyết tật về thần kinh, mất chi hay ngón chi, mất khả năng nghe.

Vi khuẩn N. meningitidis được phân loại thành 13 týp huyết thanh dựa vào đặc tính của vỏ polysaccharide. Hầu hết bệnh xâm lấn (như viêm màng não và nhiễm trùng) gây ra do các týp huyết thanh A, B, C, W, và Y. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các nhóm týp huyết thanh phụ thuộc vào vị trí địa lý và những nhân tố khác như tuổi. Týp B, C và Y là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở Hoa Kỳ. Mỗi týp là nguyên nhân của khoảng 1/3 số ca bệnh được báo cáo. Týp A phổ biến ở khu vực cận sa mạc Sahara của Africa nhưng hiếm gặp ở Hoa kỳ.

Bệnh viêm màng não mô cầu phổ biến như thế nào?

Trong khoảng thời gian 2005- 2011, ước tính có khoảng 800-1.200 ca bệnh não mô cầu xảy ra hàng năm ở Hoa Kỳ, với tỷ suất mới mắc 0,3 trường hợp/100.000 dân. Tổng cộng có 585 trường hợp bệnh được báo cáo vào năm 2013, tỷ suất mới mắc là 0,18 trường hợp/100.000 dân.

Tại châu Á, các thông tin về dịch tễ học thường không đầy đủ do thiếu giám sát và không đủ phương tiện để phát hiện vi khuẩn gây bệnh. Những năm 1960 & 1970, tỷ lệ mắc bệnh não mô cầu nhóm A cao được báo cáo tại Trung Quốc, Mongolia và Nepal. Năm 2005, dịch Não mô cầu nhóm A được báo cáo tại Ấn Độ, và dịch cũng xuất hiện tại Phillipin vào năm 2004 & 2005 với 98 ca (33% tử vong).

 

Tại Việt Nam, bệnh não mô cầu chính thức được đưa vào hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vào năm 2010. Từ 2011 – 2014  tỷ lệ mắc của cả nước trên 100.000 dân trong khoảng 0,03 – 0,3; tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 0,01. Rải rác xuất hiện các vụ dịch nhỏ ở cả khu vực phía Bắc, phía Nam và khu vực Tây Nguyên với các typ Não mô cầu A, B, C, W-135 và không A, B, C.  Tại Khu vực phía Nam theo số liệu của phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM, kết quả xét nghiệm các ca bệnh có gửi mẫu về xét nghiệm từ năm 1992 đến 2014 có não mô cầu typ B và C.

Trong một giám sát não mô cầu tại một số đơn vị quân đội khu vực miền Bắc và các vụ dịch cho thấy tỷ lệ týp B chiếm đa số (trên 80%), typ C (khoảng 10%), typ W-135và không xác định typ.

Yếu tố nguy cơ của bệnh não mô cầu là gì?

 

Đối với tất cả các týp huyết thanh não mô cầu, yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi, bệnh lý suy giảm chức năng lách hay cắt lách, thiếu hụt bổ thể kinh niên (rối loạn hệ thống miễn dịch) bao gồm nguyên nhân do thuốc eculizumab (Soliris)  dùng để điều trị hội chứng tán huyết – urê huyết không điển hình hay hemoglobulin niệu kịch phát (thuốc gắn kết với thành phần C5 và ức chế con đường bổ thể cuối cùng), và những nghề nghiệp như nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với các chủng phân lập não mô cầu.

Một số nhóm đối tượng cụ thể có gia tăng nguy cơ đối với các chủng nhóm A, C, W và Y nhưng không bao gồm nhóm B. Các yếu tố nguy cơ bao gồm nhiễm HIV, di chuyển đến những nơi có bệnh não mô cầu phổ biến (như một số nước ở Châu Phi và Ả rập Xê- Út), sinh viên sống ở ký túc xá. Những nguy cơ khác đối với các nhóm huyết thanh A, C, W và Y bao gồm nhiễm vi rút trước đó, sống trong gia đình đông đúc, có bệnh mãn tính và phơi nhiễm với khói thuốc lá (trực tiếp hay giám tiếp).

 

KHUYẾN CÁO SỬ DỤNG VẮC XIN

 

Những loại vắc xin Não Mô Cầu nào đang lưu hành?

Tại Việt Nam hiện đang lưu hành 2 loại vắc xin Não mô cầu:

  • Vắc xin Polysaccharide Meningococcala A + C (Meningo AC) là vắc xin polysaccharide do công ty Sanofi Pasteur sản xuất, được chỉ định tiêm cho người lớn và trẻ em từ 2  tuổi trở lên để phòng ngừa các bệnh Não mô cầu týp A và C.
  • Vắcxin Meningococcal BC (VA-Mengoc-BC®) là vắc xin cộng hợp Não mô cầudo công ty Filay- Cubasản xuất,có thể tạo miễn dịch chống lại não mô cầu týp B và C.

 

Bên cạnh đó, Vắc xin cộng hợp Não mô cầu Menactra (một biệt dược của MenACWY) chứa kháng nguyên các  týp huyết thanh nhóm A, C, W và Y đang hoàn tất thử nghiệm tính an toàn tại Việt Nam (Nghiên cứu bắc cầu) để xin phép lưu hành tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

Tên thương mại

Loại vắc xin

Nhà sản xuất

Bao gồm týp huyết thanh

Đường tiêm

Tuổi áp dụng được duyệt

Meningo AC

Polysaccharide

Sanofi Pasteur

A, C

Tiêm bắp hay tiêm dưới da

≥ 2 tuổi và người lớn

VA -Mengoc - BC

Cộng hợp

Filay- Cuba

B,C

Tiêm bắp

Trẻ ≥3 tháng và người lớn

2 liều cách nhau 6-8 tuần

Menactra

Cộng hợp

Sanofi Pasteur

A, C, W, Y

Tiêm bắp

9 tháng–55 tuổi*

*Có thể dùng cho người từ 56 tuổi trở lên (tham khảo khuyến cáo của ACIP tại trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6202.pdf).

 

Các vắc xin NMC đang lưu hành tại Hoa kỳ

Tên thương mại

Loại vắc xin

Bao gồm týp huyết thanh

Năm lưu hành

Tuổi áp dụng được duyệt

Menomune

Polysaccharide

A, C, W, Y

1981

Từ 2 tuổi trở lên

Menactra

Cộng hợp

A, C, W, Y

2005

9 tháng–55 tuổi*

Menveo

Cộng hợp

A, C, W, Y

2010

2 tháng–55 tuổi*

MenHibrix

Cộng hợp

C, Y and Hib

2012

6 tuần–18 tháng

Trumenba

Protein

B

2014

10–25 tuổi+

Bexsero

Protein

B

2015

10–25 tuổi+

 

*Có thể dùng cho người từ 56 tuổi trở lên (tham khảo khuyến cáo của ACIP tại trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6202.pdf).

+Có thể dùng cho người từ 26 tuổi trở lên (tham khảo khuyến cáo của ACIP tại trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/wk/mm6422.pdf).

Thông tin hướng dẫnsử dụng vắc-xin Meningo AC

  • Tiêm 1 liều cho người lớn và trẻ em từ 2  tuổi trở lên
  • Liều nhắc tiêm sau 2-4 năm sau liều đầu tiên, và khoảng cách không được ngắn hơn 1 năm kể từ khi tiêm liều đầu.

Thông tin hướng dẫn sử dụng vắc-xin Mengoc B

  • Hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc xin được tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải di đến vùng dịch, hoặc các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm như những người sống trong các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường nội chú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm huyết thanh B và C.

Tuy nhiên theo hướng dẫn của Cục quản lý Dược- Bộ Y tế thì tại Việt Nam, vắc xin được cấp phép tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi.

Tôi có thể tìm những khuyến cáo mới nhất về vắc xin não mô cầu ở đâu?

  • Khuyến cáo gần nhất về vắc xin não mô cầu polysaccharide và vắc xin cộng hợp chứa các týp huyết thanh A, C, W và Y được xuất bản vào tháng 3/2013. Tài liệu này có ở trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6202.pdf.
  • Khuyến cáo về việc sử dụng vắc xin MenB ở những người có tăng nguy cơ được xuất bản vào tháng 6/2015 và có ở trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/wk/mm6422.pdf, trang 608-12.
  • Vắc xin MenB khuyến cáo cho thanh thiếu niên và người trẻ được xuất bản vào tháng 10/2015 và có ở trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/wk/mm6441.pdf, trang 1171–6.

Vắc xin Não mô cầu được khuyến cáo tiêm ở đối tượng và lứa tuổi nào?

Theo khuyến cáo của WHO, các khu vực có dịch bệnh xảy ra ít thường xuyên (<2 trường hợp trên 100 000 dân / năm), tiêm chủng não mô cầu được khuyến khích cho các nhóm rủi ro cao, như trẻ em và thanh niên cư trú tại các cộng đồng khép kín như trường nội trú hoặc các trại quân sự. Người làm việc trong phòng thí nghiệm có nguy cơ tiếp xúc với não mô cầu cũng nên chủng ngừa. Khách du lịch đến khu vực có tỉ lệ nhiễm bệnh cao cần được chủng ngừa chống lại nhóm huyết thanh có liên quan. Ngoài ra, nên tiêm phòng viêm màng não cho tất cả các cá nhân bị suy giảm miễn dịch, bao gồm trường hợp mất lách, thiếu hụt bổ thể, hoặc nhiễm HIV.

Tại Hoa Kỳ, tỷ suất mới mắc là 0,18 trường hợp/100.000 dân. Mỗi týp huyết thanh B, C và Y là nguyên nhân của 1/3 số ca mắc được báo cáo, Vắc xin Não mô cầu được khuyến cáo như sau (đốivới những khuyến cáo có nhiều lựa chọn, bài viết chỉ trích dẫn khuyến cáo liên quan đến các vắc xin có/ sắp lưu hành tại Việt Nam; với những khuyến cáo chỉ đề cập đến vắc xin chưa lưu hành tại VN (ví dụ vắc xin ngừa typ B NMC, Việt Nam có vắc xin Mengoc BC (cộng hợp) còn vắc xin đang lưu hành tạo Hoa Kỳ là Men B (Protein)):

 

ACIP khuyến cáo tiêm thường quy vắc-xin Não mô cầu cho đối tượng 11-12 tuổi, và tiêm liều nhắc lúc 16-18 tuổi.

Tiêm chủng thường quy:

  • Tiêm 1 liều đơn vắc-xin Menactra hay Menveo trong khoảng thời gian 11 đến 12 tuổi, liều tiêm nhắc lúc 16 tuổi.
  • Thiếu niên 11 đến 18 tuổi nhiễm HIV nên tiêm 2 liều cơ bản vắc-xin Menactra hay Menveo với khoảng cách giữa 2 liều ít nhất 8 tuần.

Trong trường hợp đối tượng chưa được tiêm ở thời điểm khuyến cáo, sẽ tiêm chiến dịch (Catch – up vaccination):

  • Tiêm vắc-xin Menactra cho trẻ từ 13 đến 18 tuổi nếu trước đó chưa tiêm.
  • Nếu liều đầu tiên tiêm lúc 13-15 tuổi, liều nhắc nên tiêm lúc 16-18 tuổi với khoảng cách giữa 2 liều tối thiểu 8 tuần
  • Nếu liều đầu tiêm tiêm sau 16 tuổi thì không cần tiêm liều nhắc.

Các trường hợp đặc biệt:

  • Đối với trẻ mất lách chức năng hay cắt lách:
    • Trẻ nguy cơ cao từ 24 tháng trở lên chưa tiêm đầy đủ: Tiêm 2 liều Menactra cơ bản cách nhau ít nhất 8 tuần.
    • Nếu tiêm vắc- xin Menactra cho trẻ suy lách (bao gồm bệnh hồng cầu hình liềm), không nên tiêm vắc-xin Menactra trước 2 tuổi và cách ít nhất 4 tuần sau khi tiêm đầy đủ tất cả các liều PCV13.
  • Thiếu hụt thành phần bổ thể:
    • Trẻ 9- 23 tháng: tiêm 2 liều cơ bản cách nhau ít nhất 12 tuần.
    • Trẻ từ 24 tháng trở lên chưa tiêm đầy đủ lịch tiêm: tiêm 2 liều cơ bản cách nhau ít nhất 8 tuần.
  • Đối với trẻ đi du lịch ở các nước mà bệnh não mô cầu là bệnh địa phương hay dịch bệnh  bao gồm các nước trong vùng vành đai NMC Phi Châu hay vùng Hajj, tiêm cho trẻ vắc-xin Menactra với công thức và lịch tiêm phù hợp theo tuổi để bảo vệ trẻ khỏi bệnh NMC typ A và W.
  •  Đối với trẻ nguy cơ trong đợt bùng phát bệnh trong cộng đồng do các typ huyết thanh có trong vắc-xin gây nên, hãy tiêm/ hoàn tất đợt tiêm vắc-xin MenHibrix, Menactra, hay Menveo phù hợp theo tuổi cho trẻ.
  • Đối với liều tiêm nhắc cho người trong tình trạng nguy cơ cao, xem MMWR 2013 / 62(RR02);1-22, tại trang http://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/rr6202a1.htm.

 

Đối với việc phòng ngừa các bệnh do NMC typ B gây ra, ACIP khuyến cáo tiêm thường quy vắc xin MenB cho các nhóm sau:

 

  • Những người từ 10 tuổi trở lên có suy giảm chức năng lách hoặc cắt lách.
  • Những người từ 10 tuổi trở lên có thiếu hụt bổ thể kinh niên, kể cả những người sử dụng thuốc chống ung thư eculizumab (Soliris)
  • Những người từ 10 tuổi trở lên có nguy cơ trong một đợt dịch gây ra bởi một týp huyết thanh có trong vắc xin, chẳng hạn như trong các trường đại học.
  • Những nhà vi sinh học làm việc với vi khuẩn não mô cầu trong phòng thí nghiệm

 

Đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi, ACIP khuyến cáo rằng có thể tiêm loạt vắc xin MenB cho người từ 16-23 tuổi và tốt hơn nên tiêm ở thời điểm 16 đến 18 tuổi. Khuyến cáo nhóm B này cho phép bác sĩ lâm sàng đưa ra các khuyến cáo cho bệnh nhân dựa trên cơ sở nguy cơ và lợi ích của từng bệnh nhân.

Sinh viên cao đẳng có cần tiêm ngừa vắc xin não mô cầu?

Tại Hoa Kỳ Vắc xin MenACWY được khuyến cáo cho các sinh viên năm đầu từ 21 tuổi trở xuống, sống trong ký túc xá và chưa có tiêm vắc xin trước đó. Một số trường đại học và cao đẳng yêu cầu sinh viên mới nhập học và các sinh viên khác tiêm vắc xin MenACWY; một số trường có thể yêu cầu tiêm 1 liều MenACWY từ năm 16 tuổi.

Mặc dù có nhiều đợt dịch nhỏ về não mô cầu týp B trong khu vực các trường cao đẳng kể từ năm 2013, nhưng nhìn chung, sinh viên không có nguy cơ mắc bệnh não mô cầu týp B cao hơn so với những người cùng tuổi không phải là sinh viên. Do vậy ACIP không khuyến cáo tiêm vắc xin MenB cho sinh viên. Tuy nhiên, các sinh viên có thể tự chon việc tiêm vắc xin MenB để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Những sinh viên nào đã có tiêm vắc xin trước đây mà cần liều tiêm MenACWY nhắc?

Liều tiêm nhắc cần tiêm cho sinh viên năm thứ nhất ≤ 21 tuổi sẽ sống trong ký túc xá và đã tiêm liều vắc xin trước đây trước 16 tuổi.

ACIP khuyến cáo rằng thiếu niên tiêm liều vắc xin cộng hợp não mô cầu đầu tiên lúc 13-15 tuổi sẽ tiêm thêm 1 liều tiêm nhắc lúc 16-18 tuổi. Xét đến sự khó khăn để các thiếu niên đến cơ sở y tế có thể tiêm các liều này gần nhau khi có cơ hội, hoặc đẩy các liều xa nhau ở mức có thể (18 tuổi)?

Nếu liều đầu tiên tiêm lúc 13-15 tuổi, bạn có thể cho tiêm liều nhắc sớm nhất là lúc 16 tuổi, với khoảng cách tối thiểu là 8 tuần so với liều tiêm trước. Do vậy, nếu bệnh nhân được tiêm lúc 15 tuổi 11 tháng, bạn cần chờ ít nhất 8 tuần để tiêm liều nhắc lúc 16 tuổi 1 tháng hoặc trễ hơn nếu bạn muốn.

Khuyến cáo của ACIP về vắc xin não mô cầu được công bố vào năm 2013 về việc sử dụng MenACWY trên những nhóm đối tượng cụ thể trên 55 tuổi. Xin hãy cung cấp chi tiết về khuyến cáo này.

Trước đây, ACIP chỉ khuyến cáo vắc xin não mô cầu polysaccharide tứ giá sử dụng cho dân số từ 56 tuổi trở lên. Những khuyến cáo gần đây nhất, khuyên sử dụng hoặc MenACWY (Menactra hay Menveo) ở dân số từ 56 tuổi trở lên mà những người này (1) đã tiêm MenACWY trước đây và giờ cần tiêm lại hoặc (2) được khuyến cáo tiêm nhiều liều (chẳng hạn như, người trưởng thành cắt lách, các nhà vi khuẩn học làm việc với vi khuẩn Neisseria meningitidis). Cả hai sản phẩm vắc xin MenACWY đều đã được cấp phép lưu hành trên dân số đến 55 tuổi, nghĩa là việc sử dụng các vắc xin này cho dân số từ 56 tuổi trở lên không có trong thông tin kê toa nhưng được ACIP khuyến cáo. Nếu MPSV4 không có sẵn, việc sử dụng MenACWY được chấp nhận. Tài liệu này có ở trang www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6202.pdf.

Hai loại vắc xin não mô cầu cộng hợp tứ giá có thay thế cho nhau được không?

MCV-D (Menactra) không được chấp thuận sử dụng cho trẻ nhỏ hơn 9 tháng, do vậy chỉ có vắc xin MenACWY-CRM (Menveo) nên dùng cho trẻ 2-8 tháng. Đối với người từ 9 tháng trở lên hai loại vắc xin tứ giá có thể hoán đổi cho nhau.

 

ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ YẾU TỐ NGUY CƠ

 

 

 

Có 3 loại vắc xin não mô cầu cộng hợp được áp dụng cho trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi. Trẻ em nên tiêm vắc xin nào trước sinh nhật 2 tuổi?

MenACWY-CRM (Menveo, Novartis) và HibMenCY (MenHibrix, GSK) được cấp phép cho trẻ em từ 2 tháng tuổi. MenACWY-D (Menactra, sanofi) thì được cấp phép cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên.

Có nên tiêm ngừa vắc xin NMC cho trẻ trước sinh nhật 2 tuổi?

ACIP không khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin não mô cầu thường xuyên cho tất cả trẻ em dưới 2 tháng tuổi. ACIP khuyến cáo chỉ trẻ em có nguy cơ cao mới nên tiêm ngừa. ACIP định nghĩa trẻ em từ 2 – 23 tháng có nguy cơ cao là (1) thiếu hụt thành phần bộ thể dai dẳng, (2) mất lách chức năng hay phẫu thuật cắt lách, (3) những người di chuyển đến hoặc định cư tại những vùng có dịch bệnh não mô cầu trên thế giới (4) có nguy cơ trong các vụ dịch do các týp huyết thanh có trong vắc xin gây ra.

Đối với trẻ mất lách chức năng hay phẫu thuật, chỉ nên tiêm MenACWY-D (Menactra) sau khi loạt tiêm PCV13 hoàn tất. Những trẻ vẫn duy trì nguy cơ gia tăng mắc bệnh nên tiêm liều nhắc 3 năm sau loạt tiêm cơ bản.

Nhóm dân số nào từ 2 tuổi trở lên được khuyến cáo sử dụng lịch tiêm 2 liều MenACWY?

Đối với dân số từ 2 đến 55 tuổi, lịch tiêm 2 liều MenACWY, cách nhau 2 tháng được khuyến cáo đối với các trường hợp mất lách chức năng hay phẫu thuật cắt lách, thiếu hụt thành phần bổ thể dai dẳng (bao gồm C3, C5-C9, properdin, yếu tố H, và yếu tố D và những người dùng eculizumab), người nhiễm HIV. Những người mắc các bệnh mà có yếu tố nguy cơ cao cần tiêm nhắc vắc xin MenACWY mỗi 5 năm.

Có phải bất kỳ vắc xin vi khuẩn (bacterial vaccines) khuyến cáo cho những người mất chức năng lách hay phẫu thuật cắt lách cần sử dụng trước phẫu thuật cắt lách? Các liều sử dụng trong vòng 2 tuần trước phẫu thuật có được tính không?

 

Các vắc xin Phế cầu cộng hợp (PCV13, Prevnar 13, Pfizer), vắc xin Haemophilus influenzae type b (Hib), vắc xin cộng hợp não mô cầu (MenACWY), và vắc xin não mô cầu týp B nên tiêm 14 ngày trước phẫu thuật cắt lách, nếu được. Những liều tiêm trong vòng 14 ngày trước phẫu thuật cũng được chấp nhận. Nếu không thể tiêm trước phẫu thuật, các vắc xin này cần được tiêm càng sớm càng tốt ngay khi tình trạng bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. Vắc xin phế cầu polysaccharide (PPSV23, Pneumovax, Merck) nên được tiêm 8 tuần sau liều PCV13 cho người từ 2 tuổi trở lên.

Tại sao phải trì hoãn việc tiêm vắc xin não mô cầu ở trẻ mất chức năng lách hay phẫu thuật cho tới khi hoàn tất loạt tiêm vắc xin cộng hợp phế cầu?

Bên cạnh nguy cơ gia tăng về việc mắc bệnh não mô cầu, trẻ em mất chức năng lách hay phẫu thuật còn gia tăng nguy cơ bị bệnh xâm lấn do phế cầu khuẩn. Dữ liệu cho thấy vắc xin MenACWY-D vaccine (Menactra, sanofi) có thể có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của PCV13 nếu 2 loại vắc xin này được sử dụng quá gần nhau. Do vậy ACIP khuyến cáo rằng MenACWY-D nên được tiêm ít nhất 4 tuần sau khi hoàn tất loạt tiêm vắc xin PCV13 phù hợp theo tuổi. Các vắc xin MenACWY-CRM (Menveo) và HibMenCY (MenHibrix) không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với PCV13 nên có thể tiêm bất kỳ lúc nào trước hoặc sau PCV13.

Chúng tôi có thể tiêm vắc xin cho trẻ 2 tuổi mất chức năng hay cắt lách mà chưa hoàn tất loạt tiêm PCV13?

Nếu trẻ được tiêm MenACWY-D (Menactra), trước tiên bạn cần chắc rằng bé phải hoàn tất lịch tiêm PCV13. Tiêm MenACWY-D ít nhất 4 tuần sau khi hoàn tất loạt tiêm PCV13. Đối với vắc xin MenACWY-CRM (Menveo), có thể tiêm đồng thời hoặc bất kỳ lúc nào sau khi tiêm PCV13 mà không cần xem xét khoảng cách thời gian như khi tiêm MenACWY-D (Menactra)

Người trưởng thành bị cắt lách cần tiêm PCV13 và MenACWY. Khuyến cáo về việc tiêm riêng PCV13 và MenACWY-D (Menactra) có phải được áp dụng cho cả người trưởng thành và trẻ em?

Các nghiên cứu cho thấy rằng có khả năng có tác động ảnh hưởng khi tiêm PCV7 và Menactra cùng lúc ở trẻ em, điều này không xảy ra ở người trưởng thành. Từ đó ngoại suy cho việc sử dụng PCV13 và Menactra ở trẻ em. Tác động này không được ghi chú đối với Menveo.

Tại thời điểm này, chưa có dữ liệu cho những khuyến cáo tương tự đối với người trưởng thành. Tuy nhiên để cẩn thận, nếu sử dụng vắc xin MenACWY-D thì nên cách liều cuối cùng PCV13 4 tuần. Menveo có thể tiêm bất kỳ lúc nào trước, đồng thời hay sau PCV13.

Tôi có một bệnh nhân nhi bị mất chức năng lách. Tôi chỉ định tiêm 1 liều Menactra (MenACWY-D) khi cô ấy 3 tuổi. Tôi có nên chỉ định 1 liều nhắc một lúc nào đó không?

Vì trẻ bị mất chức năng lách, trẻ cần được tiêm liều cơ bản thứ 2 (8 tuần kể từ liều 1). Vì trẻ có các điều kiện sức khoẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao, trẻ cần được tiêm nhắc định kỳ. Nếu trẻ tiêm liều thứ 2  trong loạt tiêm cơ bản trước 7 tuổi,  trẻ nên được tiêm nhắc lần đầu 3 năm sau khi hoàn tất loạt tiêm cơ bản. Và tiêm nhắc mỗi 5 năm sau đó. Nếu trẻ được tiêm liều thứ 2 lúc được 7 tuổi hay hơn, trẻ nên được tiêm nhắc liều đầu tiên cách 5 năm sau khi hoàn tất loạt tiêm cơ bản, và tiêm nhắc mỗi 5 năm sau đó.

Nếu một người lớn hơn 55 tuổi và đã bị cắt lách, có khuyến cáo nào về việc sử dụng vắc xin polysaccharide hay vắc xin cộng hợp não mô cầu?

Vắc xin não mô cầu cộng hợp (MenACWY) được cấp phép lưu hành ở người đến 55 tuổi. Đối với người lớn hơn 55 tuổi có các điều kiện sức khoẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, (như mất lách), Uỷ ban tư vấn thực hành tiêm chủng của Hoa kỳ (ACIP) khuyến cáo việc sử dụng vắc xin MenACWY ngoài thông tin ghi toa. Người mất lách cần được tiêm 2 liều cơ bản  vắc xin MenACWY cách nhau 8 tuần, và sau đó là 1 liều tiêm nhắc mỗi 5 năm. Những khuyến cáo này có ở trang web www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6202.pdf, trang 15.

Chúng tôi có một trường hợp 68 tuổi bị cắt lách từ năm 2009. Bà đã tiêm 1 liều vắc xin não mô cầu polysaccharide (MPSV4, Menomune, Sanofi Pasteur) vào năm 2009, nhưng không tiêm mũi tiếp theo. Giờ bà cần tiêm liều nhắc. Bà nên tiêm 2 liều MenACWY cách nhau 2 tháng hay chỉ 1 liều?

Tình huống này không được đề cập đến trong trong hướng dẫn gần đây của ACIP về vắc xin cộng hợp não mô cầu. Ý kiến của chuyên gia não mô cầu CDC là bệnh nhân này cần tiêm 2 liều MenACWY cách nhau 8 tuần, sau đó tiêm nhắc 1 liều mỗi 5 năm. Điều lo ngại trong tình huống này chính là với 1 liều MPVS4 đã tiêm trước đây, bệnh nhân này có thể không tạo đủ đáp ứng nếu chỉ tiêm1 liều MenACWY.

Tôi có một bệnh nhân tán huyết kịch phát điều trị bằng thuốc Soliris (eculizumab). Ông ta có cần tiêm vắc xin não mô cầu không?

Eculizumab gắn kết với C5 và ức chế con đường bổ thể. Bệnh nhân thiếu hụt thành phần bổ thể dai dẳng sẽ gia tăng nguy cơ đối với bệnh não mô cầu. Người này cần tiêm loạt tiêm của vắc xin cộng hợp não mô cầu tứ giá (MenACWY; 2 liều cách nhau ít nhất 8 tuần) và loạt tiêm 2 hay 3 liều (tuỳ thuộc biệt dược) vắc xin não mô cầu týp B.

Người có HIV dương tính có thuộc nhóm nguy cơ đối với bệnh não mô cầu không?

Có. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng người nhiễm HIV gia tăng nguy cơ bị bệnh não mô cầu. ACIP khuyến cáo tiêm chủng MenACWY thường quy cho người nhiễm HIV. Nhóm này cần tiêm loạt tiêm 2 liều cơ bản vắc xin MenACWY cách nhau 2 tháng và tiêm nhắc mỗi 5 năm. ACIP không khuyến cáo tiêm chủng vắc xin MenB thường quy cho người nhiễm HIV.

Tôi có một bệnh nhân 64 tuổi dương tính với HIV và được tiêm vắc xin não mô cầu cộng hợp tuần trước. Đó có phải là vắc xin đúng cho bệnh nhân này không, hay ông ấy cần tiêm MPSV4 theo tuổi của ông ấy? Và bệnh nhân này có nên tiêm mũi thứ 2 sau 2 tháng?

Vắc xin cộng hợp NMC tứ giá (MenACWY) là chỉ định đúng cho trường hợp này. Khuyến cáo của ACIP năm 2013 khuyên nên dùng vắc xin cộng hợp NMC ở người từ 56 tuổi trở lên mà (1) đã tiêm MenACWY trước đó và giờ cần tiêm lại, hoặc (2) được khuyến cáo tiêm nhiều liều. Người nhiễm HIV nên tiêm 2 liều MenACWY cách nhau 8-12 tuần. Hai loại vắc xin được cấp phép lưu hành cho người đến 55 tuổi, điều đó có nghĩa là việc sử dụng các vắc xin này ở người từ 56 tuổi trở lên là khuyến cáo ngoài thông tin ghi toa của ACIP.

Chúng tôi có một trường hợp bé trai 2 tháng tuổi bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu trong máu lần thứ 2 (týp B). Bé vẫn đang trong quá trình đánh giá suy giảm miễn dịch tiên phát, tuy nhiên chúng tôi dự định chủng ngừa cho bé, bao gồm cả vắc xin NMC ACWY-CRM, và cả vắc xin NMC týp B. Tại Hoa Kỳ, vắc xin NÃO MÔ CẦU týp B chỉ được áo dụng cho dân số từ 10 tuổi trở lên, chúng tôi có thể sử dụng cho nhóm tuổi nhũ nhi không?

Việc sử dụng vắc xin NMC týp B cho nhóm tuổi dưới 10 là ngoài thông tin kê toa ở Hoa Kỳ. Hiện tại không có khuyến cáo của ACIP về việc sử dụng vắc xin này cho lứa tuổi này. Tuy nhiên, Vắc xin MNC týp B Bexsero đã được nghiên cứu ở đối tượng nhũ nhi và đã được Cơ quan y tế Châu Âu (Cơ quan ở Châu Âu tương tự FDA Hoa Kỳ) phê duyệt sử dụng ở trẻ nhũ nhi. Vắc xin này đươc khuyến cáo sử dụng thường qui ở trẻ nhũ nhi ở Vương quốc Anh (xem chi tiết ở trang www.nhs.uk/conditions/vaccinations/pages/meningitis-b-vaccine.aspx) Bác sĩ lâm sàng có thể chọn lựa việc sử dụng ngoài thông tin kê toa nếu cân nhắc thấy lợi ích của vắc xin vượt trội so với nguy cơ. Thông tin sản phẩm của Bexsero có thể tìm thấy ở trang web của cơ quan y tế Châu Âu www.ema.europa.eu/ema.

 

LIỀU TIÊM NHẮC

 

 

 

Có nên tiêm nhắc vắc xin MenACWY theo thường quy cho tất cả thanh thiếu niên?

ACIP khuyến cáo trẻ em 11-12 tuổi tiêm ngừa thường quy vắc xin NMC cộng hợp tứ giá (MenACWY) và nhận một liều nhắc lúc 16 tuổi. Thanh thiếu niên tiêm liều đầu tiên lúc 13-15 tuổi chỉ cần nhận 1 liều tiêm nhắc, tốt nhất vào lúc 16-18 tuổi – là những năm trước thời điểm đỉnh cao bệnh NMC xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Thiếu niên nhận liều vắc xin cộng hợp NMC đầu tiên vào thời điểm 16 tuổi hay sau đó thì không cần tiêm nhắc nếu họ không có nguy cơ.

Tại sao ACIP khuyến cáo một liều tiêm nhắc thường quy vắc xin MenACWY đối với thanh thiếu niên từ 16 tuổi trở lên?

Năm 2005, ACIP khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin MenACWY thường qui cho thiếu niên 11, 12 tuổi để bảo vệ nhóm này khỏi bệnh NMC như ở nhóm tuổi lớn hơn. Đỉnh cao mắc bệnh MNC là ở lứa tuổi 16-21 tuổi.  Năm 2005, ACIP cho rằng có thể đạt được tỷ lệ tiêm ngừa MenACWY cao nếu kết hợp với liều tiêm Td ở đợt khám lúc 11 hay 12 tuổi. (Liều Td cho nhóm 11, 12 tuổi được thay thế bởi Tdap vào năm 2006). Các nghiên cứu sau đó cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin MenACWY suy yếu trong vòng 5 năm sau tiêm. Trên cơ sở này, năm 2010, ACIP khuyến cáo một liều nhắc vắc xin MenACWY để cung cấp sự bảo vệ liên tục trong giai đoạn đỉnh cao của bệnh (xem ở www.cdc.gov/mmwr/pdf/wk/mm6003.pdf).

Nếu một người tiêm vắc xin MNC polysacchride (MPSV4) lúc 5 tuổi (như trong trường hợp đi du lịch) và một liều MenACWY lúc 11 hay 12 tuổi, liệu họ có cần một liều tiêm nhắc MenACWY lúc 16 tuổi?

Có, bất kỳ liều tiêm vắc xin NMC nào trước sinh nhật lần thứ 10 (MenACWY hay MPSV4) đều KHÔNG được tính cho các liều khuyến cáo thường qui.

Nếu một người tiêm MPSV4 hay MenACWY lúc 9 tuổi, có cần tiêm thêm 2 liều MenACWY không?

Có. Các liều vắc xin NMC tứ giá (MPSV4 hay MenACWY) được tiêm trước 10 tuổi không được tính như một phần của loạt tiêm. Nếu một trẻ nhận một liều vắc xin MPSV4 hay MenACWY trước 10 tuổi, trẻ cần tiêm thêm 1 liều MenACWY lúc 11 hay 12 tuổi và 1 liều nhắc lúc 16 tuổi.

Nhóm đối tượng có nguy cơ nào cần nhận các liều tiêm nhắc MenACWY sau đó?

Khi vắc xin cộng hợp NMC đầu tiên (Menactra) được lưu hành năm 2005, thiếu dữ liệu về tính hiệu quả lâu dài và sự cần thiết của việc tiêm thêm vắc xin. Kể từ đó, các nghiên cứu cho thấy rằng mức kháng thể giảm theo thời gian. Do vậy, vào năm 2009, ACIP khuyến cáo tiêm nhắc thường quy vắc xin MenACWY cho nhóm nguy cơ cao với bệnh NMC (www.cdc.gov/mmwr/pdf/wk/mm5837.pdf). Nhóm này bao gồm (1) thiếu hụt thành phần bổ thể dai dẳng, bao gồm cả những người sử dụng eculizumab (Soliris), (2) mất lách chức năng hay cắt lách, (3) nhiễm HIV, (4) người thường xuyên phơi nhiễm (như các nhà vi sinh học học làm việc thường xuyên với vi khuẩn Neisseria meningitidis, và những người du lịch đến hay cư trú tại những vùng có tỷ lệ bệnh NMC cao (như vùng vành đai NMC ở Châu Phi).

Trẻ em trong tình trạng có nguy cơ cao liên tục, nếu nhận liều vắc –xin MenACWY đầu tiên (hay loạt tiêm cơ bản) trước 7 tuổi thì cần tiêm liều tiếp theo 3 năm sau liều thứ nhất. Những người liên tục có nguy cơ cao, nếu nhận liều vắc xin NMC đầu tiên (hay loạt tiêm cơ bản) từ 7 tuổi trở đi cần được tiêm liều tiếp theo 5 năm sau liều đầu tiên. Vắc xin MenACWY được cấp phép lưu hành cho nhóm tuổi đến 55, tuy nhiên ACIP khuyến cáo ngoài thông tin kê toa  việc tiêm MenACWY cho người từ 56 tuổi trở lên đã tiêm MenACWY trước đó và được khuyến cáo tiêm lại hoặc những người được cho rằng cần tiêm nhiều liều.

Những người tiếp tục phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ có nên được tiêm thêm vắc xin NMC ngoài các liều tiêm nhắc sau 3 hay 5 năm nêu trên?

Có, những người này nên tiêm thêm liều tiêm nhắc (mỗi 5 năm) nếu họ tiếp tục có nguy cơ cao nhất nhiễm NMC.

Bạn cần làm gì nếu một bệnh nhân trưởng thành ở trong tình trạng nguy cơ nhiễm bệnh MNC cao (ví dụ như du lịch đến vùng cận-Sahara Châu Phi) và không biết trước đây họ đã tiêm MenACWY hay MPSV4. Chúng ta có nên tiêm vắc xin cho họ không?

Có. ACIP khuyến cáo cần tiêm vắc xin khi có chỉ định và khi bạn không có đủ hồ sơ cho việc đã tiêm.

 

TIÊM VẮC XIN

 

 

 

Vắc xin NÃO MÔ CẦU được tiêm bằng đường nào?

Tất cả các loại vắc xin cộng hợp NMC nên tiêm bắp. Meningo AC nên tiêm dưới da. MenB tiêm bắp.

Vắc xin MenACWY và MenB có thể được tiêm cùng một lần khám không?

Có. Vắc xin MenACWY và MenB có thể được tiêm trong cùng đợt khám hoặc ở bất kỳ thời điểm nào trước hay sau vắc xin kia.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH VÀ THẬN TRỌNG

 

Tôi hiểu rằng tiền sử có hội chứng Guillain-Barre (GBS) không còn là cảnh báo cho việc dùng vắc xin cộng hợp não mô cầu. Hãy nói thêm cho tôi về điều này.

Trước dây, tiền sử GBS là một cảnh báo cẩn trọng đối với vắc xin Menactra (Sanofi Pasteur), một biệt dược của MenACWY. Kết quả từ 2 nghiên cứu đánh giá trên 2 triệu liều vắc xin Menactra đã được sử dụng kể từ năm 2005 không ghi nhận bằng chứng làm gia tăng nguy cơ GBS. Do vậy, vào năm 2010, ACIP khuyến cáo gỡ bỏ cảnh báo việc dùng vắc xin Menactra ở người có tiền sử GBS. Cảnh báo này không áp dụng cho các vắc xin não mô cầu khác.

 

Tài liệu dịch

http://www.immunize.org/askexperts/experts_men.asp

Tài liệu tham khảo

Who position paper, 18 november 2011, 86th year / 18 novembre 2011, 86e année No. 47, 2011, 86, 521–540 http://www.who.int/wer

Recommended Immunization Schedules for Persons Aged 0 Through 18 Years UNITED STATES, 2016 - http://www.cdc.gov/vaccines/schedules/downloads/child/0-18yrs-trifold-schedule.pdf

Cuban Meningococcal BC Vaccine:  Experiences & Contributions from 20 Years of Application, MEDICC Review, Fall 2007, Vol 9, No 1

Thông tin kê toa của vắc xin VA-Mengoc-BC - http://yteduphong.com.vn/vaccine/vaccine-nhap-ngoai/vacxin-nao-mo-cau-bc-c3453i4343.htm

Niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm Việt nam 2010 -2014.

 

Dịchvà tổng hợp: Đoàn Ý Uyên – Tổ TNLS, Viện Pasteur Tp.HCM