Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu?
Thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra.
Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Bệnh thủy đậu lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua không khí khi ho hoặc hắt hơi. Đây là bệnh rất dễ lây. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ mụn nước của người nhiễm thủy đậu, hoặc tiếp xúc trực tiếp với mụn nước từ người bị bệnh zona.
Sau phơi nhiễm với thủy đậu bao lâu thì triệu chứng bệnh xuất hiện?
Triệu chứng bệnh xuất hiện 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm thủy đậu. Khoảng thời gian thông thường là 14-16 ngày.
Bệnh thủy đậu có những triệu chứng gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu là phát ban, sốt, ho, chóng mặt, nhức đầu, và chán ăn. Ban thường xuất hiện trên da đầu và cơ thể, và sau đó lan lên mặt, cánh tay và chân. Ban thường tạo 200-500 mụn nước gây ngứa thành các cụm liên tiếp. Bệnh kéo dài khoảng 5-10 ngày.
Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều nhẹ, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra tử vong. Trước khi có vắc-xin, mỗi năm khoảng 100 người tại Mỹ tử vong do bệnh thủy đậu. Trước đó, hầu hết những người này đều khỏe mạnh. Thủy đậu cũng là nguyên nhân của khoảng 11.000 ca nhập viện mỗi năm. Ngay cả trẻ em mắc thủy đậu dạng nhẹ cũng cảm thấy khó chịu và nên nghỉ học từ một tuần trở lên.
Bệnh thủy đậu gây ra những biến chứng gì?
Các biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng da hoặc các bộ phận khác của cơ thể bao gồm cả xương, phổi, khớp, và máu. Virus này cũng có thể dẫn đến viêm phổi hoặc nhiễm trùng não. Những biến chứng này hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Các biến chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh, người lớn, và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Làm cách nào để nhận biết nếu con tôi mắc bệnh thủy đậu?
Thông thường bệnh thủy đậu có thể được chẩn đoán bằng tiền sử bệnh và bệnh xuất hiện riêng lẻ. Người lớn nếu cần biết họ đã từng bị thủy đậu hay chưa có thể xác định thông qua các xét nghiệm. So với trước đây, thủy đậu ít phổ biến hơn do đã có vắc xin, vì vậy cha mẹ, các bác sĩ và y tá không cón quen thuộc với bệnh. Để xác định bệnh thủy đậu, có thể cần thực hiện các xét nghiệm.
Người mắc bệnh thủy đậu có thể lây bệnh trong bao lâu?
Bệnh nhân bị bệnh thủy đậu dễ lây lan trong 1-2 ngày trước khi phát ban và tiếp tục lây trong 4-5 ngày đầu tiên hoặc cho đến khi tất cả các mụn nước đóng vảy.
Bệnh thủy đậu có phương pháp điều trị hay không?
Hầu hết các ca bệnh thủy đậu ở trẻ em khỏe mạnh được điều trị bằng nghỉ ngơi tại giường, bù nước, và kiểm soát sốt. Trẻ em mắc thủy đậu không nên uống aspirin vì có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Có thể dùng acetaminophen để kiểm soát sốt.
Thủy đậu có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus trong trường hợp nghiêm trọng, tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân, mức độ nhiễm trùng, và thời gian điều trị.
Tại Mỹ bệnh thủy đậu có phổ biến hay không?
Do bệnh thủy đậu rất dễ lây nhiễm, đa số người lớn tại Mỹ đã từng nhiễm bệnh. Cho đến có vắc xin, ước tính mỗi năm có khoảng bốn triệu ca mắc thủy đậu. Kể từ khi vắcxin được cấp phép vào năm 1995, số lượng các trường hợp mắc thủy đậu đã giảm hơn 90%.
Có thể mắc bệnh thủy đậu nhiều lần hay không?
Hầu hết mọi người có miễn dịch với bệnh thủy đậu sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, dù không phổ biến, vẫn có người mắc thủy đậu lần thứ hai, đặc biệt là ở những người suy giảm miễn dịch.
Nếu con tôi có thể đã phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, tôi nên làm gì?
Nếu trẻ đã bị bệnh thủy đậu hoặc đã được tiêm phòng, không cần phải làm gì cả. Người nhạy cảm (người chưa từng mắc bệnh thủy đậu) được khuyến cáo nên chủng ngừa thủy đậu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với virus. Có bằng chứng cho thấy vắc-xin có thể ngăn ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu tiêm vắc xin trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ngay cả khi chưa nhiễm virus do phơi nhiễm, tiêm vắc xin sẽ giúp ngăn ngừa việc nhiễm bệnh trong tương lai.
Bệnh thủy đậu và zona có liên quan với nhau như thế nào?
Cả thủy đậu và zona đều do một loại virus gây ra. Sau khi mắc thủy đậu, virus vẫn tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể nhưng ở trạng thái ẩn. Khoảng 1/3 những người đã từng mắc thủy đậu sau đó sẽ phát triển thành bệnh zona. Triệu chứng của bệnh zona là đau, ngứa, nổi mụn nước, và mất cảm giác dọc theo dây thần kinh. Đa số các trường hợp xảy ra ở người tren 50 tuổi, nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi. Tháng 5/2016, FDA đã cấp phép cho một vắc xin ngừa bệnh zona. Hiện tại, vắc xin ngừa zona được Hội đồng tư vấn thực hành tiêm chủng của CDC khuyến cáo cho người từ 60 tuổi trở lên.
Vắc xin ngừa thủy đậu được sử dụng từ khi nào?
Vắc xin ngừa thủy đậu được cấp phép tại Mỹ vào năm 1995. Từ đó, số lượng các ca nhập viện và tử vong do thủy đậu đã giảm hơn 90%. Năm 2005, vắc xin phối hợp bao gồm vắc xin sống giảm độc lực sởi – quai bị - rubella và thủy đậu được cấp phép sử dụng cho trẻ trẻ tử 12 tháng tuổi đến 12 tuổi.
Vắc xin thủy đậu là loại vắc xin gì?
Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực. Vắc xin sống gây bệnh được làm biến đổi hoặc làm yếu đi trong phòng thí nghiệm để tạo ra một chủng sinh vật có thể phát triển và tạo ra miễn dịch trong cơ thể nhưng không gây bệnh.
Vắc xin này được sử dụng như thế nào?
Vắc xin thủy đậu được tiêm dưới da. Nên tiêm vắc xin này cùng lúc với các vắc xin được khuyến cáo khác.
Tổ chức nào khuyến cáo nên tiêm vắc xin này?
Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh (Centers for Disease Control and Prevention (CDC)), Viện Nhi khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics (AAP)), và Viện bác sĩ gia định Mỹ (American Academy of Family Physicians (AAFP)) đều khuyến cáo nên tiêm vắc xin này cho trẻ em.
Người lớn có nên làm xét nghiệm để biết họ có miễn dịch với thủy đậu hay chưa trước khi tiêm vắc xin?
Hiện tại, 90% người lớn có miễn dịch với thủy đậu do đã từng mắc bệnh khi còn nhỏ. Nếu bạn đã từng mắc thủy đậu, thì không cần làm xét nghiệm hay tiêm phòng, trừ khi bạn làm việc trong môi trường cần có giấy tờ về tình trạng miễn dịch (ví dụ như bệnh viện,…). Nếu bạn không chắc về tiền sử bệnh của bản thân, có thể làm xét nghiệm máu để biết có miễn dịch hay chưa.
Vắc xin thủy đậu có an toàn hay không?
Mười triệu liều vắc xin thủy đậu đã được tiêm tại Mỹ và các nghiên cứu tiếp tục chứng minh rằng vắc xin này an toàn. Các phản ứng phụ nghiêm trọng rất hiếm gặp.
Vắc xin này có các phản ứng phụ nào đã được báo cáo?
Các phản ứng phụ có thể xảy ra thường nhẹ, bao gồm đỏ, chai cứng và sưng tại chỗ tiêm; những phản ứng tại chỗ này xuất hiện ở 19% trẻ em và 24% ở thiếu niên và người lớn sau tiêm vắc xin (thường gặp hơn sau tiêm mũi thứ hai). Một tỷ lệ nhỏ phát triển thành ban nhẹ, thường xung quanh điểm tiêm.
Trong nhiều năm sau khi vắc xin phối hợp sởi-quai bị-rubella và thủy đậu (MMRV) được cấp phép, giám sát phản ứng phụ sau tiêm vắc xin cho thấy số trẻ tiêm mũi MMRV đầu tiên bị sốt và co giật có liên quan đến sốt nhiều hơn so với trẻ tiêm vắc xin MMR và vắc xin thủy đậu riêng lẻ trong cùng ngày. Vì vậy, tháng 5/2010, CDC đưa ra khuyến cáo rằng phụ huynh và bác sĩ thảo luận về nguy cơ và lợi ích của các cách tiêm vắc xin, trừ khi có tài liệu rõ ràng, nên tiêm riêng hai loại vắc xin cho trẻ từ 12-47 tháng tuổi tiêm mũi đầu tiên. Việc sử dụng vắc xin kết hợp thường được ưu tiên hơn so việc tiêm riêng lẻ ở trẻ tiêm mũi thứ hai hoặc trẻ 4-12 tuổi tiêm mũi đầu tiên.
Vắc xin này có hiệu quả như thế nào?
Hầu như tất cả (hơn 99%) trẻ em có miễn dịch với thủy đậu sau hai liều vắc xin. Đối với trẻ lớn và người lớn, trung bình 78% có miễn dịch sau một liều và 99% có miễn dịch sau khi tiêm hai liều theo khuyến cáo.
Mặc dù một số trẻ tiêm vắc xin (khoảng 2%) vẫn mắc thủy đậu, bệnh thường nhẹ, ít nổi mụn nước hơn (thường dưới 50 mụn nước), sốt nhẹ hơn và nhanh phục hồi hơn.
Hầu như vắc xin luôn ngăn ngừa các trường hợp bệnh nghiêm trọng. Tiêm vắc xin thủy đậu an toàn hơn nhiều so với nhiễm bệnh thủy đậu.
Nhiễm thủy đậu tự nhiên có tốt hơn cho trẻ?
Một số phụ huynh cố ý để cho con mình nhiễm thủy đậu, thậm chí khuyến khích “các bữa tiệc thủy đậu” cho mục tiêu này. Họ tin rằng sẽ tốt hơn khi nhiễm thủy đậu lúc còn nhỏ, độ tuổi mà triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn. Một số phụ huynh còn tin rằng “tự nhiên” (nhiễm bệnh) vẫn tốt hơn so với nhân tạo (vắc xin), hoặc miễn dịch do nhiễm bệnh sẽ kéo dài hơn so với tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, khi đã có vắc xin an toàn, phụ huynh nên cân nhắc giữa lợi ích tưởng tượng và các nguy cơ tiềm tàng của nhiễm bệnh, bao gồm nhiễm bệnh nặng với các biến chứng như nhiễm vi khuẩn ăn thịt. Không thể dự đoán được liệu đứa trẻ nào sẽ mắc bệnh thủy đậu nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế, phần lớn các ca nhiễm bệnh nặng xảy ra ở các trẻ khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu gần đây, cứ 10 trẻ thì 7 trẻ muốn được tiêm vắc xin hơn là nhiễm bệnh tự nhiên.
Nếu đã phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, liệu tiêm vắc xin có hiệu quả bảo vệ hay không?
Có, hiệu quả đạt được từ 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Ai không nên tiêm vắc xin thủy đậu?
Người có hệ thống miễn dịch suy yếu và người dị ứng nặng gây đe dọa tính mạng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin không nên tiêm vắc xin này.
Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm liều vắc xin thủy đậu trước đó không nên tiêm liều thứ hai.
Phụ nữ mang thai và đang có dự định có thai không nên tiêm vắc xin này do các phản ứng sau tiêm vắc xin ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, phụ nữ không có thai, trong độ tuổi sinh sản và chưa từng mắc thủy đậu nên được tiêm chủng ngừa thủy đậu để tảnh việc tiếp xúc với bệnh trong thời kỳ mang thai.
Vắc xin có gây bệnh thủy đậu hay không?
Vì đây là vắc xin sống giảm độc lực nên 1% người tiêm vắc xin sẽ phát triển thành bệnh nhẹ, bao gồm một số ít mụn nước, hầu hết là chỉ 5-6 mụn nước. Thông thường không có sốt. Những người này được bảo vệ khỏi các dạng nặng của bệnh do nhiễm tự nhiên.
Virus trong vắc xin thủy đậu có thể lây truyền từ một người đã tiêm vắc xin hay không?
Có, tuy nhiên sự lây truyền của virus trong vắc xin thủy đậu cực kỳ hiếm gặp. Chỉ có 5 trường hợp được ghi nhận ở người khỏe mạnh trong tổng số 55 triệu liều vắc xin được sử dụng. Cả 5 trường hợp này đều đưa đến nhiễm bệnh nhẹ và không có biến chứng.
Vắc xin có gây ra bệnh zona hay không?
Điều này có thể xảy ra. Nguy cơ mắc zona sau khi tiêm vắc xin dường như thấp hơn sau nhiễm virus thủy đậu tự nhiên. Hầu hết các ca mắc zona sau khi tiêm vắc xin thường nhẹ và không có luên quan với các biến chứng nghiêm trọng.
Nguồn: http://www.immunize.org/catg.d/p4202.pdf
Người dịch: Trần Linh Phương, Tổ Thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh